Khi xuất hiện các vết thương rách da, cơ thể sẽ xuất hiện hàng loạt các phản ứng khác nhau giúp thúc đẩy quá trình liền sẹo. Thời gian cho quá trình này từ 1 – 2 tuần tuỳ theo mức độ tổn thương và hệ miễn dịch của cơ thể.
Quá trình liền sẹo thường diễn ra qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn cầm máu và viêm (trong 1-2 ngày đầu): Khi vết thương hở, máu sẽ chảy và hệ thống đông máu ngay lập tức hoạt động giúp hình thành mạng lưới giam các tế bào máu lại tạo thành cục máu đông. Sau đó, các tế bào bạch cầu sẽ tập trung tại khu vực vết thương để dọn dẹp các chất lạ xâm nhập, tạo môi trường sạch sẽ cho quá trình tiếp theo;
- Giai đoạn hình thành mô hạt (từ ngày thứ 2 đến 1-2 tuần): Tại vết thương sẽ tăng sinh tế bào biểu mô, tăng sinh mạng lưới sợi collagen, tăng sinh mao mạch và hình thành các tổ chức hạt lấp đầy tổn thương;
- Giai đoạn liền sẹo: Vết thương bị xơ hoá và hình thành vết sẹo. Nếu quá trình này diễn ra quá mạnh, bạn sẽ bị sẹo lồi.
Tình trạng nhiễm khuẩn có thể xuất hiện ở bất kỳ khâu nào trong 3 giai đoạn liền sẹo và cản trở quá trình lành vết thương. Cho đến nay, chưa có chất nào giúp vết thương mau liền sẹo. Đây là quá trình hoàn toàn tự nhiên của cơ thể. Vết thương mau lành nhất là không bị nhiễm khuẩn. Việc các bác sỹ chăm sóc và xử lý (cắt lọc, khâu…) chỉ nhằm mục đích giúp quá trình liền sẹo trở nên thuận lợi và chống nhiễm trùng. Với các vết thương nhỏ và đơn giản, bạn có thể tự chăm sóc hàng ngày. Mục tiêu chính là tránh nhiễm trùng, giúp quá trình liền sẹo tự nhiên thuận lợi hơn.
Các dấu hiệu báo hiệu vết thương bị nhiễm trùng
- Vết thương bị sưng tấy lan ra xung quanh, đau nhiều;
- Vết thương không liền, chảy dịch đục, có thể có mùi hôi;
- Thay đổi màu sắc miệng vết thương;
- Người bị sốt, mệt mỏi.
Chăm sóc vết thương như thế nào?
- Rửa tay trước và sau khi chăm sóc vết thương;
- Sau khi sơ cứu, làm sạch và sát trùng, che phủ nó bằng một miếng gạc sạch, đừng băng quá kín vì như thế sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn kỵ khí phát triển;
- Thay băng hàng ngày. Nếu có dấu hiệu chảy dịch, dùng gạc vô trùng thấm sạch và rửa nó bằng nước muối sinh lý 0,9%;
- Nếu băng gạc cũ dính vào vết thương, đừng cố bóc ra. Vì như thế bạn sẽ làm tốn thương tổ chức hạt. Thay vào đó, tưới một chút nước muối sinh lý lên đó, rồi chờ 10-15 phút cho mềm rồi nhấc gạc ra nhẹ nhàng;
- Sát trùng bằng dung dịch povidone iodine 10% rồi để kho tự nhiên;
- Băng lại bằng một lớp gạc sạch, mỏng;
- Khi da lành, giai đoạn đầu chúng sẽ rất mong manh. Bạn nên mặc quần, áo che phủ vết thương và bôi kém chống nắng khi ra ngoài trời để bảo vệ lớp da mới hình thành;
- Nếu lớp da mới hình thành gây ngứa, bạn đừng gãi mà có thể bôi chút kem kháng histamin vào vùng da mới để giảm triệu chứng ngứa;
- Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc có bất cứ dấu hiệu nào khiến bạn lo lắng, hãy đến gặp bác sỹ để được tư vấn và xử lý.
Chăm sóc vết thương cần chú ý những gì?
- Ăn xôi gây sưng nề, ăn rau muống để lại sẹo lồi: Khi vết thương đang ổn định, đột nhiên sưng nề, bạn cần xem xét dấu hiệu nhiễm trùng. Một vài thống kê năm 2014, cho thấy chế độ dinh dưỡng giảm carbohydrate (ví dụ như xôi) có ích lợi cho phản ứng viêm, sưng. Tuy nhiên, đó là chế độ ăn thường xuyên, một vài bữa ăn không có mối liên quan gì đến quá trình này. Sẹo lồi là do cơ địa của từng người, không liên quan đến việc ăn uống. Do đó, không có đủ cơ sở khoa học để kết luận cần phải kiêng ăn những thứ trên;
- Thịt bò làm sẹo sẫm màu: Việc đổi màu vết sẹo là do tăng tiết melanin trong tế bào da, không có mối liên hệ nào giữa bữa ăn giàu đạm với hiện tượng tăng tiết melanin trên da và quá trình tái tạo da. Ngược lại, quá trình liền sẹo cần nhiều protein, vitamin, các chất vi lượng, như: kẽm, sắt… Do vậy, chế độ ăn giàu đạm và vitamin (vitamin nhóm B và vitamin nhóm C) sẽ giúp vết thương mau lành hơn;
- Oxy già và cồn 70 độ làm chậm hình thành các tổ chức hạt nên chú ý khi sử dụng hàng ngày;
- Đắp lá hay bôi bất cứ thứ gì vào vết thương hở trong những giai đoạn đầu tiên đều có thể làm gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn;
- Việc giữ ẩm vết thương khiến tổn thương mau lành hơn và giúp băng không bị dính. Bạn có thể bôi một lớp thuốc mỡ kháng sinh mỏng, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và làm ẩm vết thương;
- Các dụng cụ như: panh, kẹp, kéo cần vệ sinh sạch sẽ, luộc trong nước sôi ít nhất 5 phút trước khi sử dụng.