Trầm cảm là một phản ứng cảm xúc tự nhiên của con người trong cuộc sống. Trạng thái cảm xúc này trở thành bệnh lý gọi là rối loạn trầm cảm, khi biểu hiện trầm trọng, kéo dài ít nhất hai tuần và ảnh hưởng rõ rệt đến các hoạt động sinh hoạt, học tập và lao động hàng ngày. Rối loạn trầm cảm là một rối loạn phổ biến ở lứa tuổi vị thành niên. Tỷ lệ thường gặp từ 3- 8%. Rối loạn này gặp ở trẻ gái nhiều hơn trẻ trai với tỷ lệ 3:1, đặc biệt nguy cơ cao gặp ở trẻ nữ dậy thì sớm.
Trầm cảm là gì?
Trầm cảm là bệnh lý của rối loạn cảm xúc, giảm khí sắc. Người bệnh luôn buồn rầu, giảm các hứng thú, sút cân, rối loạn giấc ngủ, giảm tập trung chú ý, không thích hoạt động. Nặng hơn, người bệnh có ý nghĩ mình phạm tội lỗi, thấy bản thân không xứng đáng và có thể dẫn tới hành vi tự sát.
Một số phụ huynh phát hiện thấy con mình học hành sút kém, hay quên, mất tập trung, một số khác nhận ra con có những thay đổi (ít nói chuyện với người nhà, hay ở một mình, không cởi mở như trước nữa)…. Họ cho rằng con bước vào tuổi dậy thì thay đổi tâm tính. Nhiều bậc cha mẹ không biết con mình bị trầm cảm. Chỉ khi vấn đề trở nên trầm trọng mới tìm kiếm bác sĩ.
Các dấu hiệu trầm cảm ở trẻ vị thành niên
Các biểu hiện cơ bản của rối loạn trầm cảm ở trẻ vị thành niên tương tự như ở người lớn nhưng có liên quan đến những mối quan tâm điển hình của trẻ em, như học tập và chơi đùa. Trẻ có thể không giải thích được cảm xúc bên trong hoặc tâm trạng. Trầm cảm nên được xem xét khi những đứa trẻ trước đây hoạt động tốt trở nên kém đi ở trường, rút khỏi xã hội, hoặc có hành vi phạm pháp. Ở một số trẻ bị rối loạn trầm cảm, tâm trạng nổi trội là khó chịu hơn là nỗi buồn (một sự khác biệt quan trọng giữa tuổi nhỏ và người lớn). Sự khó chịu liên quan đến trầm cảm ở trẻ em có thể biểu hiện như là hoạt động quá mức và hành vi hung hăng, chống lại xã hội.
Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh, trầm cảm biểu hiện một số hoặc bao gồm tất cả các triệu chứng:
- Thường xuyên cảm thấy buồn bã hoặc bực bội, khó chịu, hoặc đôi khi cảm thấy đầu óc trống rỗng
- Giảm hoặc mất quan tâm, hứng thú trong công việc và sinh hoạt mà trước đây là sở thích
- Ăn nhiều hơn hoặc ít hẳn đi, ăn không ngon
- Rối loạn giấc ngủ: Khó ngủ, ngủ gián đoạn, thức giấc sớm hoặc ngủ nhiều.
- Lo lắng nhiều một cách vô cớ
- Cảm thấy mình không xứng đáng, mất tự tin hoặc thấy mình là gánh nặng cho những người xung quanh
- Giảm hoặc mất khả năng tập trung, khó khăn khi quyết định công việc
- Giảm hoặc mất trí nhớ.
- Mệt mỏi hoặc mất sinh lực, thấy khó khăn ngay cả với việc đơn giản
- Có ý nghĩ không muốn sống
- Rối loạn cơ thể: Đau đầu, đau bụng, nhức mỏi, buồn nôn… thường xuyên.
- Đặc biệt, ở giai đoạn vị thành niên và thanh thiếu niên hay có trạng thái cảm xúc đặc trưng là có ý nghĩ mình vô dụng, có ý nghĩ và hành vi tự xâm hại bản thân, ý nghĩ tự sát, tự tử
Những biểu hiện này nếu kéo dài trên 2 tuần có thể ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, học tập của trẻ. Cha mẹ nên cho trẻ đi khám để được các bác sĩ chuyên khoa tâm thần hoặc các chuyên gia tâm lý tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
Tại sao trầm cảm ở trẻ vị thành niên ngày một tăng?
- Sự ảnh hưởng của công nghệ: Các thiết bị điện tử đan xen với cuộc sống của giới trẻ nơi mà thế giới thực và thế giới ảo dường như có rất nhiều điểm tương đồng. Họ dành phần lớn thời gian hàng ngày để truy cập vào các ứng dụng trực tuyến, tìm kiếm những hỗ trợ xã hội cũng như chịu ảnh hưởng rất lớn từ môi trường thế giới ảo. Các nghiên cứu cũng giải thích rằng sự gia tăng trầm cảm, đau khổ và xu hướng tự tử có thể được kết nối với xu hướng truyền thông xã hội trong giới trẻ. Chẳng hạn, thanh niên không có gì lạ khi tự đánh giá giá trị bản thân dựa trên lượt thích và nhận xét mà họ nhận được từ người khác, đây là thước đo không chính xác đối với bất cứ cá nhân nào. Và thực sự đang có những ảnh hưởng rất tiêu cực nếu phụ thuộc quá nhiều.
- Ngủ không đủ giấc: Rối loạn giấc ngủ là một trong những triệu chứng chính của rối loạn trầm cảm. Và hầu hết, thanh thiếu niên ngày nay thường không ngủ đủ giấc hoặc ngủ sau giấc, điều đó có thể dẫn đến tâm trạng chán nản, ủ rũ và cáu kỉnh. Đồng thời, tuổi trẻ cũng là quãng thời gian trải qua những thay đổi lớn về mặt sinh lý. Vì vậy, vai trò của giấc ngủ đối với sức khỏe tinh thần và thể chất là vô cùng quan trọng. Giấc ngủ ngon có liên quan đến sức khỏe thể chất, nhận thức và tâm lý tốt hơn. Trong khi đó, giấc ngủ kém có thể ảnh hưởng đến các vấn đề sức khỏe, và suy giảm nhận thức và tâm lý.
- Ảnh hưởng từ gia đình và xã hội: Áp lực từ cha mẹ vô hình chung đã mang đến những căng thẳng và sự đè nén không cần thiết cho trẻ. Nhất là ở độ tuổi thanh thiếu niên, đây được xem là độ tuổi nhạy cảm khi mà con người bắt đầu tiến tới những biến đổi về tính cách cũng như cảm xúc. Hơn hết, đây cũng là giai đoạn cần đến những sự chia sẻ cũng như động viên từ phía gia đình và người thân. Tuy nhiên, đổi lại chỉ là những thúc ép học tập cũng như những định kiến mà cha mẹ đang áp đặt cho con cái.Từ đó, gia đình bỗng chốc trở thành nơi khởi nguồn của những sự bất an và khiến cho thanh thiếu niên phải đấu tranh về mặt tâm lý và cảm xúc mỗi ngày.
Phòng ngừa trầm cảm ở trẻ vị thành niên như thế nào?
Phòng bệnh luôn hiệu quả và ít tốn kém công sức, thời gian hơn chữa bệnh. Trầm cảm tuổi vị thành niên có thể phòng ngừa được khi cha mẹ để tâm và áp dụng liên tục các biện pháp như là:
- Luôn lắng nghe: Ở bất kỳ lứa tuổi nào, cha mẹ cần luôn quan tâm chia sẻ, học và thực hành liên tục cách làm bạn với con. Luôn lắng nghe, chia sẻ mọi khó khăn cũng như niềm vui con có trong cuộc sống. Sau lắng nghe, phụ huynh cần tránh đưa ra những nhận xét tiêu cực về những quan điểm hay vấn đề của con, bởi sẽ gây cho trẻ cảm giác vô giá trị, tác động không tốt đến hành vi sau này của con trẻ.
- Thiết lập những thói quen tốt: Cha mẹ cùng con sắp xếp các hoạt động sinh hoạt hàng ngày phù hợp, luôn sát sao, khuyến khích trẻ ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ, hoạt động thể chất và làm những việc mà con thích. Bố mẹ cần thiết lập những thói quen tốt cho chính mình, từ đó làm gương cho trẻ làm theo.
- Đảm bảo đầy đủ tinh thần, vật chất: Những trẻ sống trong gia đình hạnh phúc, bố mẹ yêu thương, quan tâm và sẻ chia sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh lý trầm cảm. Cha mẹ cần biết chia sẻ và cùng trẻ thảo luận với con để giúp con từng bước vượt qua các khó khăn trong cuộc sống. Cha mẹ hướng dẫn con tự thiết lập những mục tiêu theo khả năng bản thân, và chú ý không đặt ra quá nhiều kỳ vọng cũng như gây thêm cho con các áp lực về thành tích học tập để con có được tâm lý tốt.
- Giúp con tránh rơi vào những trạng thái tâm lý tiêu cực: Các bậc cha mẹ cần chú ý: không nên quát mắng, xúc phạm khi con có lỗi hoặc có kết quả học tập kém bạn bè mà nên phân tích, giảng giải cho con hiểu. Đối với những suy nghĩ sai lệch của trẻ, cha mẹ cần nhẹ nhàng phân tích chứ không được làm con xấu hổ.
- Nhận biết những biểu hiện của con và những dấu hiệu của gia đình: Con trẻ thường cố gắng che giấu đi những vấn đề khiến chúng tổn thương. Vậy nên cha mẹ cần quan sát kỹ những biểu hiện bất thường của conđể kịp thời tháo gỡ, giúp trẻ mở long và tự tin hơn trong cuộc sống. Khi trong gia đình có anh chị hoặc em của con đã bị trầm cảm thì khả năng sẽ bị rất cao. Bố mẹ cần theo dõi sát sao để phát hiện, ngăn chặn bệnh lý này.
Như vậy, sinh con, nuôi con lớn đến tuổi dậy thì, dù ở thời kỳ này trẻ đã có khả năng tự lập trong nhiều việc, nhưng vẫn luôn cần cha mẹ đồng hành, hỗ trợ về mặt tâm tưởng, suy nghĩ cũng như cân bằng các cảm xúc. Việc hiểu về trầm cảm là một trong số những rối loạn của lứa tuổi này giúp cha mẹ có cách tiếp cận hỗ trợ trẻ phòng tránh và vượt qua. Cha mẹ nhất định không thể lơ là, chủ quan, thiếu quan tâm đến trẻ, vì sẽ dẫn đến tình trạng nặng và hậu quả đáng tiếc.