Bệnh uốn ván danh pháp quốc tế là Tetanus, do nhiễm vi khuẩn Clostridium tetani qua vết thương trên da. Thời gian ủ bệnh từ 3 – 21 ngày. Tất cả mọi người đều có thể bị nhiễm uốn ván. Sau khi xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở bị nhiễm bẩn, vi khuẩn Clostridium tetani tiết ra độc tố thần kinh gây co cứng cơ. Tuỳ theo nhóm cơ mà người bệnh sẽ có biểu hiện đặc biệt, như: co cứng cơ mặt tạo ra nụ cười méo mó, uốn cong lưng ra sau, xoắn vặn thân mình. Sau đó, xuất hiện các cơn co giật toàn thân. Bệnh nhân bị co cứng cơ không thể hô hấp được, cuối cùng tử vong.
Vi khuẩn uốn ván là trực khuẩn song trong môi trường yếm khí, tồn tại trong ruột của súc vật, nhất là gia súc ăn cỏ, như: trâu, bò, ngựa… gia cầm. Ngoài ra, nó còn tồn tại trên mặt đất, đặc biệt ở các vùng đất nông nghiệp. Uốn ván có một dạng tồn tại là nha bào, hình cầu tròn ở dạng tự do tồn tại trong môi trường rất nhiều năm. Sau khi đun sôi 30 phút, nha bào mới chết.
Tiêm phòng uốn ván là gì
- Uốn ván là bệnh dễ phòng, khó chữa. Phòng bệnh bằng cách tiêm vaccine Tetanus toxoid (TT) hoặc huyết thanh kháng độc tố (SAT) hoặc globulin miễn dịch uốn ván (TIG);
- Khi tiêm phòng vaccine uốn ván, giá trị miễn dịch chủ động cơ thể tạo ra sẽ tồn tại được khoảng 10 năm. Thường áp dụng để dự phòng;
- Tiêm huyết thanh kháng độc tố (SAT) hoặc globulin miễn dịch uốn ván (TIG) sẽ cho miễn dịch chủ động trong thời gian ngắn. Thường áp dụng sau khi vết thương có nguy cơ nhiễm bẩn;
- Sau khi khỏi bệnh uốn ván, cơ thể không được miễn dịch và vẫn có thể mắc lại.
Dự phòng uốn ván như thế nào?
Đối với trường hợp gây miễn dịch chủ động để phòng bệnh:
- Trẻ nhỏ tiêm phòng theo lịch Tiêm chủng mở rộng;
- Người lớn duy trì khả năng miễn dịch bảo vệ bằng cách tiêm vaccine TT định kỳ 10 năm/lần;
- Phụ nữ có thai miễn dịch chủ động của người mẹ sẽ truyền được qua cho con trong thời gian đầu sau sinh;
- Những người đi du lịch quốc tế, vào những vùng có nguy cơ nhiễm uốn ván.
Đối với trường hợp vết thương có nguy cơ nhiễm uốn ván:
- Tiêm 1 liều vaccine TT trong ngày (trong vòng 24h) khi vết thương nhẹ, không nhiễm bẩn và ít nhất 10 năm trước đó chưa tiêm vaccine TT; hoặc, vết thương lớn, sâu, bị nhiễm bẩn và trong vòng 5 năm trước đó chưa tiêm vaccine TT;
- Tiêm huyết thanh kháng độc tố SAT hoặc globulin miễn dịch TIG khi vết thương đang nặng hoặc nhiễm bẩn; hoặc, người bị thương chưa được gây miễn dịch cơ bản, chưa tiêm đủ liều TT, hoặc, không nhớ đã tiêm vaccine TT hay chưa;
- Có thể tiêm vaccine TT, huyết thanh kháng độc tố (SAT) hoặc globulin miễn dịch uốn ván (TIG) cùng một lúc nhưng phải dùng bơm kim tiêm riêng và vị trí tiêm khác nhau.
Biểu hiện bệnh uốn ván như thế nào?
Bệnh uốn ván không biểu hiện ngay mà thời gian ủ bệnh khá lâu. Bệnh thường trải qua 4 giai đoạn là: Ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và lui bệnh. Mỗi giai đoạn có những biểu hiện khác nhau. Cụ thể:
- Thời kỳ ủ bệnh: Thời kỳ này được tính từ lúc có vết thương đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, có thể từ 3 – 21 ngày, với biểu hiện đầu tiên là cứng hàm. Có khoảng 15% trường hợp khởi phát bệnh trong 3 ngày từ khi bị thương, 10% trong 14 ngày. Trung bình thì bị thương 7 ngày sẽ có triệu chứng đầu. Thời kỳ ủ bệnh càng ngắn thì bệnh càng nặng.
- Thời kỳ khởi phát: Giai đoạn này tính từ khi có biểu hiện đầu tiên là cứng hàm cho đến khi có cơn co giật đầu tiên hoặc có cơn co thắt hầu họng, thanh quản. Thời gian xuất hiện những biểu hiện này thường từ 1 – 7 ngày, nếu thời gian khởi phát càng ngắn, dưới 48h thì bệnh càng nặng. Người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng như: mỏi hàm, khói nuốt, khó nhai, khó há miệng. Sau đó, sự co cứng này còn lan ra các cơ quan khác như co cơ mặt khiến nếp nhăn trán rõ hơn, hai chân mày cau lại; co cứng cơ gáy khiến cổ bị cứng và ngửa dần; co cứng cơ lưng; co cứng cơ bụng sờ vào có thể thấy rõ; co cứng cơ chi trên khiến tay luôn ở tư thế gập… Những cơn co cứng này khiến người bệnh cảm thấy đau đớn, khó vận động. Ngoài ra, còn một vài biểu hiện khác nữa là sốt cao, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh…
- Thời kỳ toàn phát: Đây là giai đoạn nặng của bệnh với nhiều triệu chứng rõ ràng, được tính từ khi có cơn co giật toàn thân, co thắt hầu họng, thanh quản đầu tiên đến khi bắt đầu lui bệnh. Thường thì giai đoạn này kéo dài 1 – 3 tuần với các biểu hiện như co cứng toàn thân, khó thở, tím tái, co cắt cơ vòng gây bí tiểu, bí đại tiện… Những trường hợp nặng còn bị rối loạn thần kinh thực vật với những biểu hiện như da xanh tái, sốt cao 39 – 40 độ hoặc hơn, đờm dãi tiết nhiều, vã mồ hôi, tăng hoặc hạ huyết áp, loạn nhịp tim hoặc có thể ngừng tim.
- Thời kỳ lui bệnh: Lúc này, các cơn co giật cũng như những biệu hiện khác đã bắt đầu thưa dần, nhẹ hơn, miệng đã có thể há rộng, phản xạ nuốt trở lại. Giai đoạn này thường kéo dài vài tuần hoặc hàng tháng tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh.
Chú ý gì khi phòng tránh bị uốn ván?
- Với vết thương hở cần rửa dưới vòi nước sạch và xà phòng;
- Sát trùng vết thương, băng cầm máu hoặc để thoáng mát. Đối với vết thương bẩn tránh băng kín tạo môi trường cho vi khuẩn kỵ khí phát triển và đến cơ sở y tế để được tư vấn, xử trí đề phòng nhiễm trùng uốn ván;
- Không bôi bất cứ thứ gì lên vết thương theo kinh nghiệm dân gian truyền miệng, như: nước mắm, tương tamari… Vi khuẩn trong các chất đó sẽ xâm nhập vào vết thương tạo nguy cơ nhiễm trùng và áp xe tổn thương.