Điện giật làm nhiệt độ cơ thể tăng lên, cơ ngực, cơ hoành co cứng lại gây ngừng thở đột ngột, sau ngừng tim (thường ngừng thở quá 05 phút tim sẽ ngừng đập). Có trường hợp điện giật khiến ngừng cả tim và phổi ngay do tiếp xúc với cường độ dòng điện cao, thời gian dài, gây thiếu ôxy trầm trọng tế bào, có thể gây hoại tử cơ tim, nhồi máu cơ tim, tràn máu, tràn khí màng phổi…
Điện giật gây co cơ mạnh, nạn nhân có thể bị ngã xuống, hoặc bắn xa tới 3-4 m gây chấn thương hoặc ngất lịm, có thể gây cháy bỏng. Có trường hợp bị điện giật để lại di chứng về thần kinh, tâm thần, suy thận, tổn thương phổi, phụ nữ có thai có thể đẻ non, thai chết lưu… Vì vậy, khi nạn nhân bị điện giật đã hồi phục phải đưa vào bệnh viện để kiểm tra, theo dõi tiếp.
Cần làm gì khi nạn nhân bị điện giật?
Tách nạn nhân bị điện giật khỏi nguồn điện:
- Khẩn cấp cắt cầu dao, ổ cắm hoặc dùng vật cách điện tách nạn nhân hay vật dẫn điện ra;
- Có thể nắm áo, quần kéo (quần áo ẩm ướt cấm tiếp xúc).
Khám, đánh giá nạn nhân bị điện giật
- Gọi, hỏi, lắc người xem còn phản ứng không;
- Nhìn da mặt xem có tím tái không, nếu tím tái thì đã ngừng thở hoặc ngừng tim;
- Bắt mạch (động mạch cổ – động mạch bẹn) hoặc áp tai vào vùng trước tim để nghe tim còn đập hay mất;
- Áp lỗ tai vào mũi nạn nhân nghe hơi thở;
- Kiểm tra mắt thấy đồng tử giãn hết, phản xạ ánh sáng mất là nạn nhân đã chết, nếu còn thì chưa chết;
- Kiểm tra tổn thương khác kèm theo;
- Nếu nạn nhân bị ngất (tim, phổi còn hoạt động) thì đặt nằm nghiêng theo dõi chặt chẽ;
- Thấy tim, phổi cùng ngừng hoạt động thì phải cấp cứu tim trước.
Xử trí trường hợp bị điện giật như thế nào
- Khai thông đường thở: Đặt nạn nhân nằm ngửa ở nơi thoáng khí. Ngửa hết đầu về sau gáy, nghiêng đầu sang một bên để khai thông đường thở (để gốc lưỡi không thụt vào bịt kín hầu họng), và để lấy dị vật (nếu có). Giữ ở tư thế này suốt thời gian sơ cấp cứu. Mở miệng nạn nhân thấy có nhớt dãi, dị vật phải lấy ra. Nới lỏng quần áo nạn nhân, đối với nữ phải nới áo ngực;
- Tiến hành thổi ngạt: Người cấp cứu quỳ hoặc đứng khom người ở ngang vai nạn nhân. Một tay bịt kín mũi nạn nhân, ấn trán xuống cho đầu ngửa hết về phía sau. Một tay nâng cằm, mở miệng nạn nhân. Hít hơi vào hết sức, rồi úp miệng ta kín quanh miệng nạn nhân, thổi mạnh thấy ngực nhô lên mới được (miệng – miệng). Thổi xong phải bỏ tay bịt mũi ra để nạn nhân thở. Nếu không thấy lồng ngực nhô lên, có thể do đầu chưa ngửa hết, mũi miệng chưa kín, lưỡi tụt vào hoặc có dị vật cản đường hô hấp, ta kiểm tra lại để xử lý, rồi thổi tiếp hoặc bịt miệng thổi qua mũi (miệng – mũi). Nếu có thì bóp bóng, cho thở ôxy. Trong trường hợp miệng bị tổn thương, ta phải thổi ngạt qua mũi đề phòng máu vào phổi. Kiểm tra thấy nạn nhân ngừng thở mà tim mạch vẫn còn đập, ta thổi ngạt ngay. Cứ thổi từ 10-12 lần thì dừng lại kiểm tra tim, phổi (một chu kỳ). Nếu thấy nạn nhân tự thở được, ta để nạn nhân nằm ở tư thế dễ thở, đầu nghiêng sang một bên, theo dõi tim, phổi. Nếu chưa thở được, ta tiếp tục cấp cứu theo chu kỳ như trên. Thấy tim mạch ngừng đập phải cấp cứu tim ngay;
- Tiến hành cấp cứu tim: Đấm mạnh 5 – 6 cái vào ngực nạn nhân, rồi kiểm tra tim mạch, nếu thấy tim mạch vẫn chưa đập phải ép tim ngoài lồng ngực, phối hợp với thổi ngạt;
- Ép tim: Hai tay chồng lên nhau, đặt tay vuông góc với xương ức nạn nhân, cách mỏm xương ức 2 ngón tay khép lại. Ép sâu từ 3 – 5 cm, rồi nới tay lên để ngực trở về như cũ, ta ép tiếp. Cứ ép 14 – 16 lần thì thổi ngạt 2 lần (một chu kỳ) tạm dừng để kiểm tra tim – phổi. Thấy nạn nhân tự thở được thì dừng thổi ngạt, tim mạch hoạt động lại, ta dừng ép tim. Theo dõi tim, phổi chặt chẽ. Nếu chưa phục hồi ta tiếp tục cấp cứu theo chu kỳ như trên cho đến khi nạn nhân hồi phục hoặc y tế đến (có tài liệu nói, ép tim 5 lần thổi ngạt 1 – 2 lần hoặc theo mạch đập, và cũng có tài liệu nói chỉ ép tim thôi…).
Lưu ý: Nếu nạn nhân bị thương tích khác phải cấp cứu tim phổi trước rồi xử lý thương tích sau…